Việc làm thêm cho sinh viên quốc tế ~Chuẩn bị và những điểm cần lưu ý~
2022.09.22
Du học sinh đi làm thêm là một việc khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tìm được một công việc làm thêm phù hợp với mình. Vì vậy, trong bài viết này, mình xin giới thiệu một số thông tin hữu ích mà các bạn du học sinh nên biết trước khi bắt đầu tìm việc làm thêm.
Lời nói đầu
Mình là một du học sinh Việt Nam, đây là năm thứ 4 mình ở Nhật. Mình hiện đang theo học tại Đại học Nữ sinh Kyoto Koka. Ba tháng sau khi đến Nhật, mình đã bắt đầu công việc làm thêm đầu tiên. Mình muốn làm quen với môi trường mới càng nhanh càng tốt và hiểu thêm về Nhật Bản, thêm vào đó là có thể trang trải một khoản chi phí sinh hoạt.
Hiện tại, mình đang làm thêm tại một quán Ý trên sân thượng của một khách sạn gần chùa Thanh Thủy, Kyoto. Lúc đầu, mình hơi lo lắng vì không tự tin khi sử dụng kính ngữ và giao tiếp với khách hàng, tuy nhiên sau khi cố gắng luyện tập từng chút một giờ mình không còn vấn đề với kính ngữ và có thể làm việc với mọi người ở quán khá ổn.
Trước khi làm việc ở đây, mình cũng đã từng làm khá nhiều công việc bán thời gian khác nhau. Do đó, mình muốn chia sẻ thông tin cho các bạn du học sinh mong muốn làm thêm những thông tin mà mình nghĩ là hữu ích để các bạn tham khảo.
① Trước khi bắt đầu tìm một công việc làm thêm
Sinh viên quốc tế ở Nhật Bản với tư cách “Du học sinh” để học tập. Tư cách lưu trú này không cho phép bạn làm việc toàn thời gian, nhưng bạn được phép làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, để có thể đi làm, trước tiên bạn phải có “Tư cách hoạt động ngoại khóa” được cấp tại Cục quản lý xuất nhập cảnh. Có hai cách để nộp hồ sơ: khi mới nhập cảnh hoặc sau khi nhập cảnh, nộp hồ sơ tại Cục quản lý xuất nhập cảnh khu vực.
Sinh viên quốc tế sống tại Kyoto có thể nộp hồ sơ tại Văn phòng chi nhánh Kyoto của Cục quản lý xuất nhập cảnh Osaka.
Về nguyên tắc, sinh viên quốc tế làm việc 28 giờ một tuần. Trong các kỳ nghỉ dài như kỳ nghỉ hè ở trường, sinh viên được phép làm việc tối đa 8 giờ một ngày tức 40 giờ một tuần.
② Cách tìm việc làm thêm
Có một số cách để tìm một công việc bán thời gian, nhưng mình chủ yếu sử dụng các app tuyển dụng mà mình có thể quản lý trên điện thoại. Các trang web và ứng dụng tuyển dụng việc làm bán thời gian có rất nhiều thông tin về việc làm, vì vậy trước khi bắt đầu tìm kiếm, hãy nghĩ xem bạn muốn làm công việc bán thời gian nào. Mình sẽ giới thiệu ba ứng dụng mà mình đã tìm thấy công việc bán thời gian hiện tại của mình.
TownWork | Là ứng dụng mình dùng nhiều nhất. Tin và công ty tuyển dụng với số lượng vượt trội. App này có thể lọc tin tuyển dụng, lưu các việc đã tìm kiếm và thông báo về các công việc có nội dung tương đồng. | |
バイトル | Đảm bảo thu thập thông tin trước khi nộp đơn xin việc. Bạn cũng có thể ghim các tin yêu thích của mình và so sánh chúng. Mình đã tìm thấy công việc hiện tại với từ khóa “nhà hàng Ý”. | |
マイナビバイト | Là ứng dụng dành cho sinh viên quốc tế nên mình thấy giao diện rất dễ sử dụng với thông tin đơn giản và thiết kế dễ hiểu. Bạn còn có thể tìm kiếm thông tin ứng với trình độ tiếng Nhật. |
Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy tin tuyển dụng ở trên các poster dán ở trước các cửa hàng. Các bạn hãy liên hệ theo thông tin ghi trên đó hoặc hỏi trực tiếp quản lý cửa hàng.
Nhờ bạn bè, người quen giới thiệu cũng là một cách có tỷ lệ được tuyển dụng cao, thêm vào đó bạn có thể nhận được những lời khuyên cần thiết từ bạn bè trước khi làm việc.
Các trường đại học và trường Nhật ngữ cũng có góc thông tin về việc làm thêm. Đối với trường đại học của mình, thông tin việc làm bán thời gian được cập nhật trực tiếp trên trang web của trường.
③ Cách viết sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch có thể coi là thứ thiết yếu khi đi xin việc. Mẫu sơ yếu lý lịch được in sẵn và bán ở các cửa hàng tiện lợi, quầy văn phòng phẩm, nhà sách và cửa hàng 100 yên, v.v. nhưng bạn cũng có thể tải xuống bản mẫu từ Internet.
Ví dụ như bản mẫu trang web này.
https://townwork.net/magazine/knowhow/resume/t_resume/83911/
Có mẫu sơ yếu lý lịch khi xin việc toàn thời gian và bán thời gian, vì vậy hãy cẩn thận để không nhầm hai loại với nhau.
Tiếp theo, mình sẽ hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch và những nội dung cần điền một cách dễ hiểu. Với bản viết tay, hãy lưu ý viết bằng bút mực đen.
④ Phỏng vấn
Để không phải vội vàng vào ngày phỏng vấn mình hay lập một danh sách công việc cần kiểm tra và xác nhận nó vào ngày trước đó.
〇 Quần áo: Nên mặc áo sơ mi và quần trơn. Tránh mặc quần đùi, váy ngắn, v.v.
〇 Thời gian phỏng vấn, địa chỉ, điện thoại: Nếu bạn đến muộn hoặc bị lạc, bạn có thể liên hệ với phía tuyển dụng nên hãy ghi thông tin lại cẩn thận.
〇 Lộ trình và phương tiện di chuyển
〇 Chức vụ và tên người phỏng vấn
〇 Những thứ cần mang theo: sơ yếu lý lịch, đồ dùng viết, con dấu, sổ tay,..
Hầu hết các cuộc phỏng vấn đều diễn ra như thế này. Phỏng vấn không chỉ xác định liệu bạn có thể làm việc tốt với tư cách là một nhân viên hay không, mà còn xác nhận liệu bạn có thực sự muốn làm việc hay không.
Khi đi phỏng vấn thì mình hay được hỏi những câu như thế này:
・ Lý do du học Nhật Bản
・ Thời gian học tiếng Nhật
・ Lý do ứng tuyển ・ Thời gian có thể làm việc ・ Số ngày làm việc
・ Khả năng làm việc trong các dịp lễ,cuối năm, lễ tết và Obon
・ Kinh nghiệm làm việc bán thời gian trước đây
Nếu bạn không tự tin vào tiếng Nhật của mình, hãy tham khảo các câu hỏi phỏng vấn và luyện tập trả lời chúng trước. Hãy tìm kiếm trên Internet với các từ khóa “câu hỏi phỏng vấn làm thêm” hoặc “ví dụ về phỏng vấn việc làm”, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều tài liệu tham khảo.
Ngoài ra, nếu bạn không hiểu mình đang bị hỏi gì hãy xác nhận lại với người phỏng vấn trước khi trả lời. Bằng cách đó, thay vì hiểu sai và trả lời không đúng, bạn có thể để lại ấn tượng rằng bạn là một người kiểm tra mọi thứ một cách chính xác. Và nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về công việc bạn đang ứng tuyển, đừng ngại xác nhận.