Du học sinh tại Kyoto thuật lại những điều khiến họ cảm thấy sốc văn hóa tại Nhật
2018.03.13
Hãy cùng lắng nghe kinh nghiệm từ các tiền bối về sốc văn hóa, điều bạn có thể cũng đã từng trải nghiệm qua. StudyKyoto đã tập hợp các bạn du học sinh lại đê trò chuyện về những trải nghiệm sốc văn hóa mà các bạn từng trải qua.
Tham gia cùng chúng ta hôm nay là 6 bạn Katrina (Mỹ), Mono (Indonesia), Mook (Thái), Hyejin (Hàn Quốc), Prengfei (Trung Quốc), and Ye Eun (Hàn Quốc). Chúng tôi đã hỏi mọi người về những cú sốc văn hóa của từng cá nhân trong thời gian du học.
Thời điểm nào khiến bạn cảm thấy sốc văn hóa khi ở Nhật?
Giao thông
Katrina: Có một sự khác biệt rất lớn trong các phương tiện công cộng. Mình đã rất ngạc nhiên khi biết được ở Nhật có rất nhiều học sinh mất trên 2 tiếng mỗi ngày để di chuyển đi học. (Mono rất đồng tình với điều này) Ở Mỹ không bao giờ có chuyện mất 2 tiếng để đi học. Thế nhưng ở Nhật lại là một điều vô cùng bình thường, không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng đi dạy rất xa nhà. Một chiều mất 2 tiếng, vậy tổng thời gian ngồi trên tàu điện lên đến 4 tiếng một ngày. Điều đó với mình vô cùng kì quặc.
Tôi hỏi bạn bè của mình thì họ có vẻ đều ngủ, học bài hoặc làm những việc mình thích trên tàu. Ở Mỹ khi đi học xa nhà thì phần lớn đều sử dụng ô tô, vậy nên khoảng thời gian đó không thể làm được gì hết. Còn ở Nhật mọi người có thể dùng thời gian đi tàu để làm rất nhiều việc. Hai tiếng có thể khá dài, nhưng ít nhất mọi người có thể sử dụng khoảng thời gian đó để làm việc gì đó, vậy nên mình nghĩ nó cũng không được coi như điều gì quá to tát đâu.
Mono: (Ở nước mình) Nếu có người trả lời rằng mất 1 tiếng đồng hồ để đi học khi được hỏi, thì ai cũng sẽ nghĩ là người đó rất vất vả.
So với các quốc gia khác, phạm vi sử dụng phương tiện công cộng để đi học mỗi ngày rất lớn.
Ye Eun: Mình thì lại ngạc nhiên khi biết được rằng có rất nhiều người sử dụng xe đạp. Ở Hàn Quốc mình cũng có xe đạp, nhưng kể từ khi vào Đại học thì mình không sử dụng đến nữa.
"Honne" và "Tatemae"
[Honne] trong tiếng Nhật có ý nghĩa là cảm xúc, suy nghĩ thành thật. Còn [Tatemae] là lời nói mồm xã giao, hoàn toàn khác với [Honne].
Mook: Mình thì bị sốc văn hóa giữa [Honne] và [Tatemae]. Ban đầu mình cảm thấy rất khó. Ví dụ như bản thân mình rất thích Karaoke, khi mọi người biết được điều đó đều nói rằng “Lần tới cùng đi hát Karaoke nhé”, tuy nhiên vì không ai nói rõ là thực sự có ý định đi hay không nên mình cũng không rõ là mình có đươc rủ không.
Katrina: Mình thường được bạn bè nói là “Để mình khao!” (Cười). Thế nhưng cũng có lúc chỉ là nói mồm thôi. Việc này rất hay xảy ra đó.
Hyejin: Không biết chuyện này có liên quan đến [Honne] và [Tatemae] hay không, nhưng mình cảm thấy người Nhật rất để ý đến cảm xúc và phản ứng của đối phương. Người Hàn có lẽ thẳng thắn hơn một chút. Ví dụ khi đang đi xin việc ở Hàn, bạn bè thường hỏi nhau là “đã nhận được quyết định chưa? có ai liên lạc gì không?”, thế nhưng các bạn người Nhật của mình hoàn toàn không đả động gì đến việc đó. Mình đã vô cùng ngạc nhiên. Mình đã nghĩ phải chăng họ không có hứng thú gì sao, nhưng thực chất vì họ không muốn tâm trạng mình trở nên xấu đi nên đã không hỏi.
Ở Hàn khi đến kỳ thi cũng hoàn toàn trái ngược. Lúc chào nhau tất cả sẽ hỏi ngay đối phương là “Được mấy điểm vậy?”.
Thói quen học tập
Mono: Mình bị sốc khi biết thư viện không mở 24 giờ. Thời gian thư viện đóng cửa khá nhiều, khiến mình cảm thấy như không muốn mình học vậy.
Katrina: Đóng cửa lúc 9 hay 10 giờ quả là sớm thật.
Mono: Ngay cả tuần trước khi thi cũng đóng nhỉ.
Katrina: Có lẽ học sinh người Nhật thích tự học ở nhà hơn, nhưng mình lại muốn học ở thư viện. Nói cách khác, mình nghĩ là học sinh người Nhật thật siêu khi có thể học được ở nhà. Học sinh ở Mỹ thì không thích tự học ở nhà bởi vì khi ở thư viện mọi người có thể tập trung vào việc học hơn.