Kyoto Styudy

Dành cho những bạn đang cân nhắc du học Nhật Bản Dành cho học sinh quốc tế tại Kyoto

STUDY KYOTO MAGAZINE

「Văn hóa ứng xử ở Nhật Bản」~ Cú sốc văn hóa phần 3

「Văn hóa ứng xử ở Nhật Bản」~ Cú sốc văn hóa phần 3

Tôi nghĩ rằng người nước ngoài sinh sống ở Nhật Bản sẽ ít nhiều có những trải nghiệm thú vị do những khác biệt về văn hóa. Nguyên nhân của điều này là do nền văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Trước khi tôi đến Nhật Bản du học, tôi đã chuẩn bị bằng cách tìm hiểu trước về cách suy nghĩ và cuộc sống ở đây. Tuy nhiên, ngay cả hiện tại khi tôi đã sinh sống ở đây đến năm thứ 4, tôi vẫn gặp phải những cú sốc do khác biệt văn hóa. Những cú sốc văn hóa có thể được hạn chế hơn bằng việc biết trước về chúng nên tôi muốn giới thiệu với các bạn trong bài viết này.

Tôi là một du học sinh đến từ Việt Nam, hiện đang học tại Đại học Nữ sinh Kyoto Koka. Tôi có cơ hội kết bạn với nhiều người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nhưng trong số đó, những người bạn thân nhất của tôi là Jo Yang (đến từ Trung Quốc) và Im Sang Hyun (đến từ Hàn Quốc), họ là những người đã đồng hành cùng tôi trong cuộc sống sinh viên đại học và hành trình khám phá những điều mới mẻ về Nhật Bản. Nhờ hai người bạn này, tôi đã có thể hiểu biết sâu sắc hơn không chỉ về văn hóa Nhật Bản, mà còn về văn hóa của các quốc gia khác. Trong bài viết này, cùng với sự giúp đỡ của hai người bạn, tôi sẽ giới thiệu những điều về văn hóa Nhật Bản khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên, cũng như cách mà những người đến từ quốc gia khác tiếp nhận chúng.

Tiếng húp xì xụp khi ăn mì

Lần đầu tiên khi tôi ăn mì ramen ở một quán gần trường, tôi đã rất ngạc nhiên bởi tiếng húp xì xụp khi ăn mì của những khách hàng trong quán. Tôi từng đọc một bài báo về cách người Nhật ăn mì, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm âm thanh này ngoài đời thật. Đó là âm thanh lớn hơn tôi đã tưởng tượng rất nhiều. Khi tôi nói chuyện này với bạn bè, tôi đã hiểu thêm về cách ăn uống thú vị không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các nước khác.

Ở Việt Nam, không chỉ là khi ăn mì, không phát ra âm thanh khi ăn uống nói chung là một phép lịch sự. Theo như người bạn Trung Quốc của tôi, giống với Việt Nam, người Trung Quốc khi ăn mà tạo ra tiếng động cũng bị coi là bất lịch sự.

Tuy nhiên, theo như người bạn Hàn “Việc phát ra âm thanh khi ăn uống là sự thể hiện rằng món ăn đó ngon” nên ở Hàn Quốc nó không có vấn đề gì cả. Ở điểm này, Hàn Quốc và Nhật Bản có cùng cách cảm nhận, trong khi mặc dù Việt Nam hay Trung Quốc cũng cùng là những đất nước trong hệ các nước châu Á, cách suy nghĩ về ăn uống lại hoàn toàn khác nhau, điều đó làm tôi cảm thấy rất thú vị.

Vậy thì, tại sao việc phát ra âm thanh khi ăn mì ở Nhật Bản không bị coi là điều xấu mà lại được hoan ngênh? Tôi đã tìm hiểu được 3 nguyên nhân cho điều này.

Đầu tiên, cách ăn mì bằng việc hút sợi mì sẽ nước súp sẽ hòa quyện vào sợi mì nhiều hơn và làm cho món ăn ngon hơn. Liên quan đến điều này, một chương trình truyền hình đã thử nghiệm và so sánh việc ăn mì tạo tiếng và ăn trong im lặng. Kết quả là lượng nước dùng còn lại là 263g đối với người ăn không phát ra âm thanh và 237g đối với người ăn uống có tiếng.

Ngoài ra, cách ăn này dường như cũng có tác dụng lan tỏa mùi thơm của mì. Tạo ra âm thanh cũng đồng nghĩa với việc hít không khí vào nhiều hơn cùng với nước dùng. Bằng cách này có thể cảm nhận món mì ngon hơn khi mùi thơm của ramen lan tỏa hơn. Thêm nữa, có vẻ việc đưa sợi mì nóng vào miệng cùng lúc với không khí lạnh bên ngoài còn có tác dụng tránh bỏng khi ăn.

Đặc biệt, có nhiều người nước ngoài cảm thấy khó chịu vì họ không có văn hóa “ húp mì xì xụp khi ăn ” nên nhiều người trong số họ không làm được như vậy. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời khi thử ăn mì ramen Nhật Bản theo cách độc đáo của người Nhật.

Không vừa đi vừa ăn

Một ngày nọ, tôi đọc một bài báo có tiêu đề “Vừa đi vừa ăn có phải là hành động gây phiền toái?”. Bài báo đã chỉ ra rằng việc vừa ăn vừa đi lại ở Nhật Bản là một hành vi gây phiền toái. Tại các điểm du lịch nổi tiếng như Kyoto và Asakusa, việc này đã trở thành vấn nạn. Tôi cũng đã thấy những bài báo khác chỉ ra rằng có cả những vận động nhằm cấm việc vừa đi vừa ăn. Thật vậy, kể từ khi tôi đến Nhật Bản, tôi nhận ra rằng tôi hiếm khi thấy có người vừa ăn vừa đi lại trên phố. Vì điều này là việc bình thường ở Việt Nam nên tôi đã không biết rằng đó lại là hành động kém lịch sự ở Nhật Bản.

Chẳng hạn như việc đi dạo trên phố với đồ uống trong tay, ăn sáng với bánh mì mua ở cửa hàng tiện lợi trong lúc đi bộ tới trường, hoặc khi đói bụng sau giờ học mua cơm nắm ăn trên đường về nhà, những việc như thế này rất bình thường ở Việt Nam.

Trong những bộ phim của nhiều quốc gia cũng thường có những cảnh các diễn viên mặc vest mua bánh hamburger và ăn trong khi đi bộ. Tôi cũng thấy việc này trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc, và khi tôi hỏi người bạn Hàn Quốc rằng liệu hành vi này có được chấp nhận hay không, anh ấy trả lời: “Ở Hàn Quốc thì hoàn toàn không có vấn đề gì. Những lúc không có thời gian thì tôi cũng thường làm như vậy”. Khi tôi hỏi điều tương tự với người bạn Trung Quốc, Jo Yang đã trả lời rằng “Việc này cũng nguy hiểm tương tự như việc sử dụng điện thoại thông minh trong khi đi bộ, vì thế cũng không nên làm”.

Khi tôi tìm hiểu về lí do tại sao ở Nhật việc vừa ăn vừa đi bộ ở Nhật không được cho là tốt, tôi đã hiểu ra rằng hành động này thiếu cảm xúc biết ơn đối với những người đã tạo ra đồ ăn. Người Nhật có thói quen ngồi vào bàn ăn, chắp tay và nói “Itadakimasu” trước khi ăn. Ngược lại, việc vừa ăn vừa đi có nghĩa rằng  bạn bận rộn đến mức không có thời gian để ăn, hoặc ăn tạm cho xong bữa.

Một lý do khác có thể kể đến là các vấn đề về cảnh quan môi trường. Những hành động thiếu ý thức của một số người chẳng hạn như làm rơi thức ăn trên đường, vừa cầm đồ ăn vừa đi vào cửa hàng, dùng tay bẩn chạm vào sản phẩm, vứt túi rác chứa đồ ăn trên đường ,… bị coi là vấn đề ảnh hưởng xấu đến cảnh quan hay tăng lượng rác bị vứt bừa bãi.

Do đó, ngay cả những hành động được coi là bình thường ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng có thể bị xem là không tốt ở Nhật, nên hãy cùng trải nghiệm cuộc sống du học Nhật Bản vui vẻ bằng cách hiểu về sự khác biệt văn hóa nhé.

บทความยอดนิยมPopular Articles

CategoryDanh mục

Popular Articles บทความยอดนิยม

CategoryDanh mục